Khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Khả Năng Thanh Toán Là Gì? Phân Tích Khả Năng Thanh Toán Của Doanh Nghiệp

Tài chính

Khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẽ lên toàn bộ bức tranh tình hình tài chính của doanh nghiệp cho người quản lý, nhà đầu tư, nhà cung cấp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng,… phân tích, xem xét để đưa ra những quyết định kinh tế quan trọng.

Vậy làm thế nào để đánh giá khái quát khả năng thanh toán của doanh nghiệp chính xác?

Trong bài viết dưới đây, Gentracofeed chia sẻ đến các bạn những thông tin, kiến thức quan trọng về phân tích khả năng thanh toán, công thức và cách tính cũng như ý nghĩa của từng loại đó.

I. Khả Năng Thanh Toán Là Gì?

Trước khi đến với sự phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp, chúng ta cần hiểu được khái niệm của khả năng thanh toán là gì?

Khả năng thanh toán là năng lực về tài chính mà doanh nghiệp có được để đáp ứng nhu cầu thanh toán tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn, chi phí cho các cá nhân, tổ chức có quan hệ cho doanh nghiệp vay hoặc nợ như ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp,…

Một trong những bước quan trọng để doanh nghiệp đưa ra những quyết định tài chính phù hợp thì câu trả lời là xác định được khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó cũng như các nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về “bức tranh tài chính” của công ty.

»»» Học Tài Chính Cho Người Không Chuyên Ở Đâu Tốt?

Khả năng thanh toán là gì?

Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử A đang ngồi “ôm” khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng. Trong năm 2022 tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp A là 3987 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 567,3 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 3419,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đã thanh toán được toàn bộ nợ ngắn hạn và một nửa nợ dài hạn trong tháng 6/2022 ⇒ Doanh nghiệp A có đủ khả năng thanh toán.

– Nếu một doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao, chứng tỏ doanh nghiệp đó có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chi trả tốt các khoản nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không những có đủ mà còn có thừa khả năng thanh toán.

– Nếu doanh nghiệp ở trong tình trạng tài chính xấu, điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, doanh nghiệp không bảo đảm được khả năng thanh toán các khoản nợ dẫn đến uy tín doanh nghiệp đi xuống. Thực tế cho thấy, nếu khả năng thanh toán của doanh nghiệp không bảo đảm thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động điều hành quản lý, thậm chí có khả năng rơi vào tình trạng phá sản.

Ví dụ về mất khả năng thanh toán:

Công ty B nợ một phần giá trị hợp đồng vận chuyển của công ty F để vận chuyển thiết bị máy móc mới, theo thỏa thuận sau khi vận chuyển thì công ty B phải thanh toán hoàn tất giá trị hợp đồng cho công ty F. Tuy nhiên, đã hơn 6 tháng mà doanh nghiệp B vẫn chưa thanh toán được.

⇒ Vậy trong trường hợp này, công ty B được xem là mất khả năng thanh toán.

II. Phân Tích Khả Năng Thanh Toán Của Doanh Nghiệp

Một doanh nghiệp tồn tại được nếu có thể đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán tài chính đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

Các nhà phân tích đầu tư, quản lý của doanh nghiệp sẽ sử dụng chỉ số để đánh giá khả năng thanh toán của một doanh nghiệp và dựa vào kết quả đó, ta có thể nhìn ra năng lực tài chính của doanh nghiệp đó có tốt hay là không.

1. Phân tích khả năng thanh toán tổng quát

*Khái niệm hệ số khả năng thanh toán tổng quát là gì?

Để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, chúng ta cần chú ý đến hệ số khả năng thanh toán tổng quát của doanh nghiệp đó. Hệ số này phản ánh tổng quát nhất năng lực thanh toán của doanh nghiệp trong ngắn hạn và cả dài hạn.

*Công thức và cách tính:

Tỷ số khả năng thanh toán tổng quát (Htq) phản ánh tỷ lệ giữa tổng tài sản (cả tài sản ngắn hạn và tài sản cố định) và nợ phải trả của doanh nghiệp.

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát = Tổng tài sản/Nợ phải trả

Lưu ý: Nợ phải trả bao gồm cả khoản nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

*Ý nghĩa của hệ số khả năng thanh toán tổng quát:

Ý nghĩa của tỷ số này là một đồng nợ phải trả được đảm bảo bởi bao nhiêu đồng tài sản doanh nghiệp, hay nói một cách khác là tổng số tài sản sẵn có có khả năng chuyển hóa thành tiền có đảm bảo thanh toán các khoản nợ cả ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp hay không.

– Nếu Htq >2: Phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở mức rất tốt, tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn có thể không cao và đòn bẩy tài chính ở mức thấp. Doanh nghiệp sẽ khó có thể tăng trưởng vượt bậc.

– Nếu 1≤ Htq <2: Phản ánh về cơ bản, với lượng tổng tài sản doanh nghiệp hiện có, thì hoàn toàn đáp ứng được các khoản nợ khi tới hạn.

– Nếu 0 ≤ Htq<1: Thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở mức thấp, khi chỉ số càng tiến gần về số 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp không đưa ra giải pháp thực sự phù hợp với tình trạng này.

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát trình bày cho các đối tượng quan tâm một bức tranh toàn cảnh về tài chính doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp có đang ở mức tốt, cơ bản hay tình trạng xấu để có thể đưa ra giải pháp xử lý hoặc có nên đầu tư vào, cho vay tiếp hay không đối với các nhà đầu tư, ngân hàng,…

2. Phân tích khả năng thanh toán hiện thời (current ratio)

*Khái niệm khả năng thanh toán hiện thời là gì?

Phân tích khả năng thanh toán hiện thời hay còn gọi là khả năng thanh toán ngắn hạn là việc xem xét tài sản ngắn hạn có đủ thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp hay không.

Chỉ tiêu này là một trong những tỷ số được sử dụng rộng rãi trong bộ phận quản lý rủi ro, bộ phận tài chính,… để phân tích khả năng thanh toán và rủi ro trong ngắn hạn.

*Công thức và cách tính:

Để xác định khả năng thanh toán hiện thời của doanh nghiệp người ta sử dụng hệ số thanh toán hạn thời để phân tích. Công thức tính như sau:

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn (CR) = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn phản ánh tỷ lệ giữa tài sản ngắn hạn (các tài sản có thời hạn sử dụng < 12 tháng) và nợ ngắn hạn (các khoản nợ ngắn hạn < 12 tháng).

*Ý nghĩa của hệ số khả năng thanh toán tổng quát:

– Ý nghĩa của tỷ số này là một đồng nợ ngắn hạn được đảm bảo bằng bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn, hay nói cách khác là tổng số tiền và các tài sản ngắn hạn có khả năng chuyển hóa thành tiền trong thời gian 12 tháng có đảm bảo thanh toán được các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp hay không.

– Tỷ số này càng cao phản ánh rằng mức độ thanh toán của doanh nghiệp rất cao, khả năng đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp càng cao.

– Tỷ số này ở mức thấp phản ánh rằng doanh nghiệp không đảm bảo khả năng thanh toán, các giám đốc tài chính, bộ phận quản lý rủi ro cần phải xem xét cẩn thận các yếu tố tác động xấu tới tỷ số này và đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế.

– Tỷ số này bằng 1 ngụ ý rằng giá trị ghi sổ sách của tài sản ngắn hạn hiện tại bằng giá trị ghi sổ sách của nợ ngắn hạn.

Lưu ý: Tỷ số này thường xuyên so sánh với 1.

Tuy nhiên, hệ số này tăng nghĩa là công ty luôn sẵn sàng thanh toán các khoản nợ nhưng tỷ số này quá cao chưa chắc đã là tốt đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp, vì tài sản ngắn hạn cao hơn so với nợ phải trả ngắn hạn, sẽ xảy ra các tình huống không tốt đối với doanh nghiệp như có quá nhiều tiền mặt, TGNH nhàn rỗi, nợ khó đòi trong các khoản phải thu cao, hàng tồn kho nhiều sẽ dễ dẫn tới ứ đọng vốn, lỗi mốt, thị hiếu khách hàng thay đổi,…

»»» Review Khóa Học Phân Tích Tài Chính Doanh Nghiệp Tốt Nhất

3. Phân tích khả năng thanh toán nhanh (quick ratio – acid test)

*Khái niệm khả năng thanh toán nhanh là gì?

Hệ số khả năng thanh toán nhanh (còn gọi là hệ số acid test) để phản ánh khả năng chi trả nợ ngắn hạn bằng các tài sản có tính thanh khoản cao (như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, ngoại tệ, kim khí quý,…) trong tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.

Bởi vì hàng tồn kho là có tính thanh khoản thấp nhất trong tài sản ngắn hạn chính vì vậy các nhà phân tích tài chính cần dựa vào hệ số khả năng thanh toán nhanh để phân tích, xem xét tình hình tài chính doanh nghiệp.

*Công thức và cách tính:

Hệ số thanh toán nhanh được tính bằng tỉ số giữa phần tài sản ngắn hạn còn lại sau khi đã trừ đi hàng tồn kho trên nợ ngắn hạn mà doanh nghiệp phải trả.

Hệ số thanh toán nhanh (QR) = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Đối với một số doanh nghiệp, chỉ tiêu tài sản ngắn hạn khác xuất hiện trong tài sản ngắn hạn, chúng ta chưa chắc chắn về khả năng thanh khoản của các chỉ tiêu này. Vì thế khi phân tích khả năng thanh toán nhanh công thức được sử dụng như sau:

Hệ số thanh toán nhanh (QR) = (Tiền + Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn + Khoản phải thu) / Nợ ngắn hạn

*Ý nghĩa của hệ số khả năng thanh toán nhanh:

Tương tự với hệ số thanh toán ngắn hạn (hiện thời), hệ số này thường được so sánh với 1, nếu tỷ số này lớn hơn 1 có nghĩa là doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng các tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao của mình.

Hệ số này an toàn hơn hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn vì nó chỉ bao gồm các tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao (tính lỏng) liên quan đến nợ ngắn hạn. Giống như tỷ số thanh toán ngắn hạn, tỷ số này càng cao, càng đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán nợ đến hạn và càng thấp có nghĩa là doanh nghiệp đang ở mức xấu, không có phương án thích hợp có thể bị phá sản.

Bên cạnh đó, hệ số này cũng thường được sử dụng để so sánh với số liệu trung bình ngành.

4. Phân tích khả năng thanh toán bằng tiền (tức thời)

*Khái niệm khả năng thanh toán bằng tiền là gì?

Hệ số khả năng thanh toán bằng tiền hay còn được gọi là hệ số khả năng thanh toán tức thời là tỷ số chỉ xem xét tiền và các khoản tương đương tiền so với khoản nợ ngắn hạn hiện tại của doanh nghiệp. Thông thường hệ số này đại diện cho khả năng thanh toán tức thời của các doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp gặp khủng hoảng kinh tế.

*Công thức và cách tính:

Có hai công thức được dùng khi tính hệ số khả năng thanh toán bằng tiền như ở phía dưới đây:

Hệ số thanh toán tức thời = (Tiền + Các khoản tương đương tiền) / Nợ ngắn hạn

Hệ số thanh toán nhanh tức thời = (Tiền + Các khoản tương đương tiền) / Nợ đến hạn

*Ý nghĩa của hệ số khả năng thanh toán nhanh:

– Khi gặp khủng hoảng kinh tế, giá trị thị trường của chứng khoán ngắn hạn có tính thanh khoản cao sẽ bị giảm sút trong trường hợp này hệ số tức thời không cung cấp đủ thông tin.

– Hệ số này mô tả doanh nghiệp có khả năng đáp ứng kịp thời các khoản nợ ngắn hạn bằng khoản tiền sẵn có và các khoản tương đương tiền, đặc biệt trong công thức thứ 2, mô tả khả năng đáp ứng khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp.

Trong trường hợp tỷ số này nhỏ hơn 1 thì doanh nghiệp gặp vấn đề thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, vấn đề sẽ trầm trọng hơn khi tính theo công thức 2, doanh nghiệp sẽ không đủ tiền và các khoản tiền tương đương tiền để thanh toán khi đến hạn của doanh nghiệp.

5. Phân tích khả năng thanh toán lãi vay

*Khái niệm khả năng thanh toán lãi vay là gì?

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay hay còn gọi là hệ số thanh toán lãi vay, hệ số thanh toán lãi nợ vay. Hệ số phản ánh khả năng thanh toán lãi tiền vay của doanh nghiệp cũng như mức độ rủi ro có thể gặp phải của các chủ nợ, nhà cung cấp,…

*Công thức và cách tính:

– Hệ số khả năng thanh toán lãi vay được tính như sau: là tỷ số giữa lợi nhuận trước lãi vay và thuế trên lãi vay phải trả trong kỳ của doanh nghiệp.

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Lãi vay phải trả trong kỳ

– Trong đó, lợi nhuận trước lãi vay và thuế được tính như sau:

Lợi nhuận trước lãi vay và thuế = Doanh thu – Giá vốn hàng bán – Chi phí hoạt động.

Lợi nhuận trước lãi vay và thuế = Thu nhập ròng + Lãi vay + Thuế

*Ý nghĩa của hệ số khả năng thanh toán nhanh:

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay là một trong những chỉ tiêu mà các bên cho vay rất quan tâm khi thẩm định cho vay vốn của khách hàng, đặc biệt là các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Do đó, chỉ số này ảnh hưởng rất lớn đến xếp hạng độ uy tín và lãi suất vay vốn của doanh nghiệp. Việc đảm bảo trả lãi các khoản vay đúng hạn cũng thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt, độ uy tín cao và ngược lại.

IV. Doanh Nghiệp Mất Khả Năng Thanh Toán

Ngược lại với trường hợp doanh nghiệp có khả năng thanh toán đó là trường hợp mất khả năng thanh toán. Vậy mất khả năng thanh toán là gì? Tại sao doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và dấu hiệu như thế nào?

1. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là gì?

Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật phá sản 2014 như sau :

“Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

2. Tại sao doanh nghiệp mất khả năng thanh toán?

Có rất nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi trên điển hình như:

  • Chi tiêu cá nhân của chủ doanh nghiệp quá lớn
  • Doanh nghiệp vay nợ quá nhiều
  • Doanh nghiệp bị “xù” nợ
  • Khủng hoảng kinh tế
  • Quá xem nhẹ những thua lỗ ban đầu
  • Chỉ nghĩ đến doanh số
  • Không lập quỹ dự phòng tài chính
  • Hàng tồn kho quá nhiều và khó có khả năng đưa ra thị trường,…

3. Dấu hiệu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán

Từ những thông tin trên chúng ta có thể thấy để xác định một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán dựa trên các dấu hiệu sau:

Đầu tiên, về khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thay toán được gọi là khoản nợ không có đảm bảo và khoản nợ có đảm bảo một phần. Doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán chỉ khi doanh nghiệp không thanh toán được khoản nợ được đảm bảo hoặc bảo đảm một phần và bị chủ nợ không có bảo đảm, chủ đề có đảm một phần.

Thứ hai, mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp phá sản, không còn tài sản để trả nợ mà thay vào đó, doanh nghiệp còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ theo như cam kết trong hợp đồng.

Thứ ba, tiêu chí mất khả năng thanh toán không phụ thuộc vào số lượng khoản nợ mà chỉ cần dựa vào một khoản nợ. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không quy định giới hạn về các khoản nợ phải trả. Điều này có thể hiểu là bất kỳ khoản nợ nào dù là nợ lương công nhân viên, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, khoản nợ phát sinh từ hợp đồng, nợ lãi suất các khoản nợ,…

Cuối cùng, khoản nợ được coi là mất khả năng thanh toán ở đây chính là khoản nợ phải trả mà chủ doanh nghiệp tạo ra từ chính hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình.

Việc đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp là thước đo quan trọng do vậy, việc hiểu và nắm bắt rõ được từng loại đánh giá, công thức tính hệ số, nên dùng trong từng trường hợp nào,.. sẽ giúp ích cho chính bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà cung cấp và cả cho người cho vay vốn.

Như vậy, Gentracofeed đã chia sẻ cho các bạn tất cả thông tin về phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Chúc các bạn luôn thành công!

Xem thêm:

Đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *